Tin Tức

Người bị đau dạ dày nên “ăn Tết” như thế nào?

Tết đến xuân về là thời điểm mọi người sum họp, quây quần bên nhau. Ăn uống, tụ tập, chúc Tết là những hoạt động không thể thiếu được trong ngày này. Tuy nhiên, việc này có thể gây áp lực lên hệ tiêu hóa mỗi người, đặc biệt là với những người bị đau dạ dày. Vậy, người bị đau dạ dày nên ăn uống thế nào để “cắt đứt” những cơn đau hành hạ trong dịp Tết đến?

Nguyên nhân khiến bệnh đau dạ dày gia tăng đột biến vào ngày Tết?

Tết Nguyên Đán được đánh dấu là thời điểm bắt đầu một năm mới, gia đình sum họp, người người vui vẻ đón xuân. Vì quan niệm cả năm vất vả mới có một ngày Tết, vậy nên, đi đâu cũng ăn, cũng uống, đặc biệt là uống rượu, bia; … Đây cũng chính là nguyên nhân khiến chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe.

Theo GS.TS Đào Văn Long – Nguyên Trưởng khoa tiêu hóa bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật: “Cứ mỗi dịp Tết đến, số lượng bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tiêu hóa lại tăng cao. Những bữa ăn quá nhiều chất, không theo giờ giấc sẽ làm hệ tiêu hóa bị xáo trộn. Nhẹ thì gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì gây ra ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh lý khác về dạ dày, gan, mật, tụy…”.

Bữa ăn ngày tết chắc chắn không thể thiếu những chén rượu, cốc bia, đi kèm với đó là các loại đồ ăn nhiều đạm, chất béo khó tiêu (bánh chưng, giò, chả…), thực phẩm chua cay (dưa hành, rau của quả muối…). Đồng thời với đó là thói quen sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, ăn uống thất thường, thức khuya, dậy muộn. Tất cả những điều này góp phần thúc đẩy các cơn đau dạ dày xuất hiện, đặc biệt với những người có tiền sử viêm loét dạ dày, hoặc các bệnh lý về dạ dày mãn tính thì sẽ cảm nhận tình trạng đau rõ rệt hơn.

Làm gì để “chặn đứng” các cơn đau dạ dày vào dịp Tết?

Để tránh những cơn đau dạ dày cấp tính khởi phát và bệnh đau dạ dày mãn tính tái phát dịp Tết, chúng ta cần:

– Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, không thức quá khuya, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày,…

– Hạn chế các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, trà đặc, tuyệt đối không uống rượu bia trong lúc đói hay liên tục suốt những ngày Tết. Rượu, bia không chỉ gây hại đối với dạ dày mà còn “phá hủy” gan, tụy gây ra các bệnh lý nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp,…

– Ăn uống điều độ, đúng giờ, hạn chế các thức ăn chiên, xào khó tiêu, nhiều gia vị, dưa, cà, hà, các quả chua,…đặc biệt là dưa hành và các loại rau củ quả muối.

Hạn chế dưa hành và các loại rau củ quả muối

Thịt mỡ, dưa hành vốn là món ăn truyền thống trong mâm cỗ ngày tết nhưng trong dưa hành, rau củ quả muối có nhiều chất gây chua làm dạ dày tăng tiết axit gây đau dạ dày. Ngoài ra, trong dưa hành và các loại rau củ quả muối còn chứa một lượng lớn muối. Với người bị đau dạ dày, đặc biệt là đau dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) thì thực phẩm muối chua, thực phẩm có chứa nhiều muối sẽ làm cho “vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn. Vi khuẩn này khi kết hợp với muối gây ra hiện tượng đứt gãy các ADN của tế bào niêm mạc dạ dày, dẫn đến hiện tượng viêm loét, dị sản, loạn sản niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư”. GS Long cho biết.

GS.Long cũng giải thích thêm, vi khuẩn HP là loại vi khuẩn sống trong dạ dày con người. Vi khuẩn này có đến hơn 200 loại khác nhau tuy nhiên chỉ có những loại vi khuẩn mang gen CagA mới gây ra viêm loét dạ dày tá tràng.

Khoa học cũng đã chỉ ra mối liên quan giữa lượng muối trong khẩu phần ăn và sự gia tăng vi khuẩn HP cũng như làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Theo 1 nghiên cứu trên 270.000 người cho thấy, những người ăn nhiều muối sẽ tăng 68% nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Đối với những người đang mắc các bệnh lý về dạ dày cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị cũng như hướng dẫn dinh dưỡng của bác sĩ. Nếu những cơn đau vẫn dai dẳng không dứt, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh để bệnh diễn biến lâu, biến chứng thành các bệnh lý nguy hiểm khác.

Những thực phẩm tốt cho dạ dày trong những ngày tết

Để dạ dày không phải làm việc quá tải trong những ngày Tết, bạn có thể bổ sung những thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa sau:

Chuối

Chuối là loại quả được sử dụng thường xuyên trong các ngày lễ Tết, đồng thời đây cũng là loại quả rất tốt cho dạ dày. Chuối có tác dụng chống rối loạn đường ruột hữu hiệu, ngoài ra nó cũng tốt cho những người bị bệnh đường ruột mạn tính hay làm giảm kích thích lớp màng dạ dày, không chỉ vậy, chuối còn chữa bệnh ợ nóng nhờ vào công dụng giúp giảm độ axit của nó.

Khoai lang

Đây là một nguồn chất xơ dồi dào giữ cho đường tiêu hóa của bạn luôn mạnh khỏe và giúp bạn tránh tình trạng đầy hơi, khó chịu trong những ngày Tết. Ngoài ra, khoai lang cũng có nhiều vitamin B6, mangan, vitamin C rất tốt cho cơ thể.

Thực phẩm thô, ngũ cốc nguyên hạt

Thực phẩm thô và các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, nếp lức, ngô, các loại đậu, vừng, hạt điều… có tác dụng tốt với những người đau dạ dày hay người mắc các bệnh đường tiêu hóa.

Thực phẩm này có chứa nhiều chất xơ, khoáng chất và vitamin nhóm B với hàm lượng cao giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng cần thiết và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Hơn thế nữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt còn chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ lớp màng tế bào ở thành trong dạ dày, phòng chống viêm loét dạ dày hiệu quả.

Táo

Táo chứa pectin – một chất được biết đến với công dụng thúc đẩy sự hoạt động của dạ dày và đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và giảm các triệu chứng đầy bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, nó còn có tác dụng bôi trơn hệ tiêu hóa, giúp giảm áp lực khi dạ dày làm việc. Tuy nhiên, cần tránh dùng táo khi đói vì có thể làm tăng axit trong dạ dày.

Gừng

Gừng có tác dụng điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, trị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, đầy hơi, chướng bụng… Sử dụng trà gừng hoặc một lát gừng sống mỗi ngày sẽ giúp cải thiện các chức năng tiêu hóa hữu hiệu.

Sữa chua

Sữa chua có chứa hàm lượng lớn probiotic, các loại men vi sinh cực tốt cho hệ tiêu hóa. Probiotic giúp sản sinh lactase – chất có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn trong ruột gây hại sức khỏe và cải thiện chức năng tiêu hóa hữu hiệu, rất tốt cho dạ dày.

Quả bơ

Quả bơ giúp bạn chữa các bệnh liên quan đến dạ dày, trái cây này có tác dụng tiêu hóa các enzyme, tiêu hóa thức ăn, phá vỡ chất béo, từ đó giúp bạn chống lại bệnh đau dạ dày.

Thói quen ăn uống như thế nào để tốt cho dạ dày

Trong những ngày Tết việc ăn uống quá nhiều, ăn không đúng bữa và chế độ nghỉ ngơi không hợp lý có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho dạ dày, vì vậy để tốt cho dạ dày bạn cần chú ý những điều sau:

Ăn uống khoa học, hợp lý

Không nên ăn quá no, nên nhai kỹ, nuốt chậm… vì ăn quá no sẽ làm dạ dày phồng căng, sinh ra nhiều axit có hại, dễ gây ra đau dạ dày. Khi ăn nên nhai kỹ, nuốt chậm vì trong khi nhai có thể tăng thêm sự bài tiết của nước bọt, nước bọt có tác dụng giảm axit và bão hòa axit có trong dạ dày.

Ăn hoa quả trước bữa ăn

Bạn nên chuyển thời gian ăn hoa quả lên trước bữa ăn, việc đó có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và giúp dạ dày làm việc tốt hơn. Vì việc ăn hóa quả sau bữa ăn sẽ làm cho dạ dày phải làm việc quá tải, do phải nhường chỗ cho dạ dày tiêu hóa nhiều thức ăn khác nên hoa quả trong bụng bị lên men, dễ khiến bạn bị đầy bụng, táo bón… không có lợi cho hệ tiêu hóa.

Vận động hợp lý

Các chuyên gia khuyên chúng ta nên vận động (đi bộ hoặc chạy chậm…) buổi chiều tối, khoảng 1 tiếng trước khi ăn tối để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Để dạ dày luôn hoạt động hiệu quả bạn cần bổ sung những thực phẩm tốt cho dạ dày, giữ thói quen ăn uống, sinh hoạt điều độ, ngoài ra khi có những bất thường về dạ dày bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế để có biện pháp điều trị kịp thời.