Những người mắc hội chứng ruột kích thích, khi ăn uống không điều độ nhất là trong các dịp liên hoan, lễ Tết hoặc ăn cứ một số thực phẩm là lại có cảm giác nặng bụng, đầy hơi, trung tiện nhiều… Vậy nên ăn gì để cải thiện tình trạng trên?
1. Nguyên nhân và triệu chứng hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là hiện tượng ruột bị rối loạn chức năng, tái đi tái lại nhiều lần, nhưng không có thương tổn về giải phẫu cũng như tổ chức sinh hoá ở ruột (không u, không viêm loét…). Ở Việt Nam, hội chứng ruột kích thích còn được biết đến với tên gọi viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng.
Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích đến nay chưa được xác định rõ nhưng có một số yếu tố được cho là điều kiện thuận lợi để khởi phát hội chứng ruột kích thích như: căng thẳng, stress, nhiễm khuẩn đường ruột, dùng kháng sinh kéo dài, thay đổi thời tiết, chu kỳ kinh nguyệt… Đặc biệt là chế độ ăn uống có liên quan trực tiếp.
Người bị hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng đau bụng và rối loạn tiêu hoá. Ngoài ra, còn có thể có một số triệu chứng khác như: Đầy hơi, tức nặng bụng, trung tiện nhiều…
Các triệu chứng này thường liên quan đến chế độ ăn uống. Ví dụ, khi ăn các thức ăn không phù hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ngay lập tức. Nếu kiêng khem thì các triệu chứng sẽ cải thiện hoặc biến mất.
Cơ thể của mỗi người là khác nhau, có những thực phẩm có thể gây ảnh hưởng đến người này nhưng lại không ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, có nhiều loại thực phẩm có thể có tác động tích cực đến hệ tiêu hóa và không làm cho triệu chứng hội chứng ruột kích thích trầm trọng hơn.
Vì vậy, để giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, người bệnh nên có chế độ ăn uống lành mạnh và tránh các thực phẩm có thể gây kích thích cho hệ tiêu hóa gây đầy hơi, chướng bụng và đau bụng.
2. Một số thực phẩm giúp cải thiện triệu chứng hội chứng ruột kích thích
2.1 Thịt nạc
Thịt nạc chủ yếu bao gồm protein dễ tiêu hóa và không bị vi khuẩn đường ruột lên men, không gây đầy hơi, tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích.
Người bệnh có thể ăn các loại thịt nạc như: thịt lợn nạc, thịt bò nạc, thịt gà trắng…
Nên ăn các loại thịt được nuôi theo tiêu chuẩn lành mạnh như gia súc, gia cầm nuôi đồng cỏ, thả rông, một số người tin rằng hàm lượng chất béo của chúng có lợi cho vi khuẩn đường ruột.
2.2 Trứng
Trứng là lựa chọn an toàn cho người bị hội chứng ruột kích thích. Trứng dễ chế biến và dễ tiêu hóa. Vì vậy, người bệnh có thể ăn trứng mà không lo các triệu chứng khó tiêu, đầy bụng.
2.3 Các loại hạt
Các loại hạt là nguồn cung cấp chất xơ, protein và axit béo omega-3 chống viêm. Chúng chứa chất béo không bão hòa tốt cho hệ vi khuẩn đường ruột.
Người bệnh nên ăn các loại hạt như: hạnh nhân, óc chó, mắc ca, hạt chia.
2.4 Thực phẩm lên men
Thực phẩm lên men chứa nhiều chủng men vi sinh tự nhiên tốt cho hệ tiêu hóa. Sữa chua nguyên chất (không thêm đường) có thể tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích.
2.5 Các loại cá giàu axit béo omega-3
Axit béo omega-3 có vai trò chống viêm trong cơ thể. Vì tình trạng viêm có thể làm tăng các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích nên người bệnh có thể ăn các loại cá giàu axit béo omega-3 giúp chống viêm như: cá hồi, cá cơm, cá tuyết, cá trích, cá thu, cá mòi…
2.6 Thực phẩm nên ăn khi bị táo bón
Để cải thiện táo bón do hội chứng ruột kích thích, người bệnh cần tăng cường chất xơ. Người bị hội chứng ruột kích thích dễ dung nạp chất xơ hòa tan hơn chất xơ không hòa tan. Nên tăng dần số lượng chất xơ để cơ thể có thời gian thích nghi.
Thực phẩm có nhiều chất béo và đường là một trong những nguyên nhân thúc đẩy táo bón. Người bệnh cần ăn các loại thực phẩm như: Bánh mỳ; ngũ cốc nguyên hạt; Cám yến mạch; Trái cây (táo, lê, quả kiwi, quả sung); Rau (rau lá xanh, khoai lang); Sữa không béo, sữa chua; Thịt gà không da; Cá (đặc biệt là cá béo như cá hồi và cá ngừ)…
Tránh các loại thực phẩm như: Bánh mỳ trắng, mì ống, bánh quy; Thức ăn nhanh hoặc rán; Kem béo; Thịt đỏ; Rượu bia; Sô cô la…
3. Hạn chế chất xơ nếu bị tiêu chảy
Nếu bạn bị tiêu chảy nhiều do hội chứng ruột kích thích, tốt nhất là bạn nên ăn thanh đạm hơn. Cần tránh các loại thực phẩm béo, nhiều dầu mỡ hoặc kem vì chúng có thể làm tăng tốc độ co bóp của ruột, gây đau bụng và tiêu chảy phân nhiều nước.
Cần tránh thực phẩm chứa chất xơ không hòa tan. Chất xơ không hòa tan sẽ hút nước từ ruột, làm cho phân lỏng hoặc nhiều nước. Nên hạn chế ăn rau quả và trái cây nhiều chất xơ trong các đợt cấp tính.